Những con số chưa biết nói chuyện

5 năm trước, bạn và 1 anh bạn thân cùng khởi nghiệp ở 2 lĩnh vực khác nhau.

  • Bạn mở 1 quán cafe, với mong muốn có thể tạo thành 1 chuỗi cafe cho những người có gu uống cafe và nghe nhạc nhẹ giống bạn
  • Anh bạn mở 1 công ty công nghệ phần mềm nhằm giải quyết 1 vấn đề trong quy trình vận hành kho của các nhà máy sản xuất

Sau 5 năm, bạn đã sở hữu trong tay 5 địa điểm cafe với số lượng khách hàng đều đặn hàng tuần. Bạn không cần phải tham gia vào việc vận hành hằng ngày và lợi nhuận hàng tháng của chuỗi dư dả để chu cấp cho bạn và đã hoàn trả thành công số vốn bạn bỏ ra 5 năm trước

Anh bạn thân, ngược lại, vẫn đang bù đầu để phát triển sản phẩm của mình và luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Công ty liên tục trong tình trạng chi nhiều hơn thu (tức dòng tiền ròng âm đều đặn ở các tháng). Công ty liên tục phải sử dụng vốn từ Founder và từ các nhà đầu tư khác

Giá trị của công ty nào cao hơn?

Tuy nhiên, khi cả cùng đi gặp gỡ các nhóm Nhà Đầu Tư (NĐT), phần lớn họ đều nhận định công ty phần mềm của anh bạn thân có giá trị cao hơn chuỗi quán cafe của bạn, cho dù chuỗi cafe bạn đang tạo ra dòng tiền dương hàng tháng và việc vận hành hằng ngày dễ dàng hơn nhiều so với bạn

Tại sao chuyện này lại xảy ra? Tại sao 1 công ty khó khăn trong vận hành và đang lỗ có giá trị cao hơn?

Vì đó là Giá Mua (Price) chứ không phải là Giá Trị (Value)

Giá Mua (Price) của 1 công ty đến từ quy luật cung cầu trong thị trường.

Một ngành nghề đang trong xu hướng của thế giới sẽ thu hút được nhiều NĐT hơn các ngành nghề truyền thống/lâu đời hơn. Đơn giản vì các NĐT đặt cược vào việc ngành nghề này sẽ tăng trưởng 10-20x nữa trong thời gian tới và sẵn sàng trả giá cao để sở hữu được 1 công ty trong ngành này.

Ngược lại, chuỗi quán cafe là 1 concept đã lâu đời và tính đột phá không cao tại thời buổi hiện tại nên sẽ được cái NĐT ít quan tâm hơn, hoặc ít nhất đối với những NĐT mong muốn tỷ lệ lợi nhuận 10-20x trong tương lai

Giá Trị (Value) của công ty được quyết định bởi 3 yếu tố chính:

  • Khả năng tạo ra dòng tiền từ tài sản hiện tại của công ty
  • Khả năng tăng trưởng của công ty và giá trị của việc tăng trưởng
  • Rủi ro trong việc vận hành và tiếp cận nguồn vốn

Đối với chuỗi cafe của bạn, dòng tiền trong tương lai dễ được chứng minh ổn định hơn nhưng việc tăng trưởng không có tính đột phá. Đối với 1 phần mềm, có thể mất nhiều năm để hoàn thiện, nhưng khi hoàn thành công ty có thể tăng trưởng doanh thu rất mạnh mẽ. Tại 1 thời điểm xa hơn trong tương lai, NĐT vẫn sẽ kỳ vọng công ty phần mềm này sẽ tạo ra đủ tiền để dòng tiền vận hành bắt đầu dương

Giá Mua không phải lúc nào cũng được quyết định dựa trên Giá Trị, dựa trên khả năng tạo ra dòng tiền. Giá Mua phụ thuộc vào thị trường, vào nhận định chủ quan của 1 NĐT và khẩu vị rủi ro của từng nhóm này

Một công ty không tạo ra tiền được định giá cao vì NĐT kỳ vọng tại 1 thời điểm trong tương lai, số tiền mà công ty này tạo ra sẽ rất lớn và bù đắp được cho tất cả những khoản lỗ và đầu tư ở những giai đoạn đầu của công ty

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không nhiều công ty giữ được định giá cao mãi, phần lớn đã phá sản và rất nhiều NĐT đã mất tiền vì điều họ tin tưởng trong quá khứ không thành hiện thực. Tương tự với các Founder, không phải ai cũng quay về sau nhiều năm khởi nghiệp với happy ending

Không phải cứ tăng trưởng là có giá trị

Vì sao lại có câu chuyện kể trên? Vì trong quá trình phát triển, việc tăng trưởng của các công ty này không có giá trị. Không phải tăng trưởng nào cũng là tăng trưởng tốt.

Lấy 1 ví dụ bạn đầu tư vào 1 cửa hàng tạp hóa nhưng trên gian hàng không có đồ, thực phẩm hay thiết bị gia dụng. Sự tăng trưởng hàng hóa của bạn đến phần lớn từ việc bạn chạy quảng cáo kích thích tò mò của khách hàng trong khu phố đến tham quan concept này của bạn

Kết quả, bạn là 1 cửa hàng có rất nhiều traffic tham quan.

Đây có phải là 1 mô hình có giá trị? Tùy thuộc vào người bạn hỏi là ai.

Hoặc thực tế, câu chuyện 1 công ty tech tên IRL đạt mức tăng trưởng mơ ước qua nhiều năm nhưng thực tế người dùng hơn 90% là robot. Founder chắc chắn biết họ đang làm gì. Họ muốn tăng trưởng users vì đây là thước đo cho định giá của công ty trong thời điểm đó. Nhưng kết cục thì không mấy tươi đẹp

Con số chưa biết nói chuyện

Trong hành trình đi gọi vốn, hoặc thuyết phục cho NĐT định giá của công ty, việc Founders nắm thuộc lòng số liệu của công ty là điều cần thiết

Hãy thêm cho những con số đó 1 câu chuyện

Một câu chuyện để thuyết phục NĐT vào khả năng tạo ra Giá Trị của công ty, khả năng tạo ra dòng tiền tốt trong tương lai và cách mà bạn có thể phòng tránh các rủi ro trong quá trình phát triển của công ty

Một công ty tạo ra dòng tiền là 1 công ty có Giá Trị, nhưng sẽ còn “Giá Trị” hơn nếu dòng tiền này là kết quả của việc doanh nghiệp tạo ra thặng dư cho xã hội – tạo ra giá trị cho xã hội

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *